Bí thư Hà Nội tháo gỡ khó khăn và “hiến kế” phát triển Khu CNC Hòa Lạc

Sáng 10/7, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc nhằm tháo gỡ những khó khăn để Khu phát triển nhanh.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm và làm việc với Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc sáng 10/7

Tham dự buổi làm việc này có ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành của Thành phố Hà Nội.

Diện mạo khu CNC Hòa Lạc sau hơn 20 năm

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: Tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động. Các sản phẩm được sản xuất trong Khu đều có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Tiêu biểu là các thiết bị mạng 5G, cấu kiện động cơ máy bay, các thiết bị y tế kỹ thuật số,… Nhiều trường đại học đã và chuẩn bị đi vào hoạt động với quy mô đào tạo trên 40.000 sinh viên, là nguồn cung nhân lực chất lượng cao cho Khu Công nghệ cao và Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

“Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động của các khu công nghệ cao nói chung và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng. Trong đó, tập trung vào sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm đồng bộ với pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, lao động,… Đồng thời, định hình rõ về yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu của khu công nghệ cao đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và của cả nước”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Minh chứng thêm cho Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, ông Lưu Hoàng Long, quyền Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, thời gian qua đã thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, trong đó chú trọng các dự án công nghệ cao. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup xây dựng Tổ hợp các dự án nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD; Tập đoàn NIDEC (Nhật Bản) đầu tư 5 dự án sản xuất công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD; Tập đoàn Hanwha mở rộng dự án sản xuất động cơ máy bay với giá trị đầu tư ước tính khoảng 600 triệu USD.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, 08 dự án mới đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng trên 14.000 tỷ đồng. Tính lũy kế từ khi thành lập đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 94 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, trong đó có 51 dự án đang hoạt động với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 năm gần đây đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ.

Ông Hoàng Long cũng cho rằng, các hoạt động khoa học và công nghệ đã bước đầu tạo ra môi trường thuận lợi đối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với các hoạt động hỗ trợ ươm tạo, đào tạo, chia sẻ hạ tầng nghiên cứu và triển khai, kết nối các nhà đầu tư và thương mại hóa sản phẩm… Các nhà đầu tư công nghệ lớn hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ.

Những “nút thắt” cần Hà Nội tháo gỡ

Tuy phát triển nhanh nhưng Khu CNC Hòa Lạc vẫn còn nhiều vướng mắc với 6 nhóm vấn đề được quyền Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc chỉ ra  như UBND thành phố Hà Nội xem xét ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB phần diện tích còn lại của Khu CNC Hòa Lạc (235 ha), hoàn thành xây dựng các khu tái định cư và các công trình phục vụ GPMB Khu CNC Hòa Lạc; Kiến nghị UBND TP bố trí vốn để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Vai Réo phục vụ GPMB Khu Công nghiệp Bắc Phú Cát cũ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Kiến nghị UBND TP bố trí tuyến xe bus nhanh BRT kết nối trung tâm Hà Nội với Khu CNC Hòa Lạc để tạo thuận lợi trong việc đi lại cho chuyên gia, người lao động, học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc. Đặc biệt UBND Thành phố giao Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội tiếp nhận, quản lý, nhận nợ và vận hành hệ thống cấp nước Khu CNC Hòa Lạc…

Giải đáp về những khúc mắc này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay,  hiện nay, quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân đã có sẵn tại xã An Khánh (huyện Quốc Oai). Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cần có văn bản chính thức đề nghị với thành phố để thông qua chủ trương, triển khai thực hiện trong năm nay.

Về bố trí các tuyến xe buýt, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ bố trí thêm các tuyến buýt đưa đón công nhân của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, Ban Quản lý cần xác định rõ những tuyến đi, đến của công nhân để thành phố bố trí bảo đảm hiệu quả.

Đối với việc cấp nước sạch cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chủ tịch UBND thành phố cho biết đã chỉ đạo để tuần tới có thể đấu nối từ nguồn của Nhà máy nước mặt sông Đà…

CNC Hòa Lạc phải có bước đi đột phá

Sau khi đi thăm trực tiếp và nghiên cứu các kết quả báo cáo, Bí Thư Hà Nội đánh giá, những năm gần đây CNC Hòa Lạc có sự thay đổi khá nhanh, nhưng mức độ phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có bước đi đột phá. Tỷ lệ lấp đầy khu còn thấp, thu hút đầu tư, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn khiêm tốn, chưa tương xứng với vai trò, vị trí.

Bí thư Huệ tỏ vẻ khá ngạc nhiên khi một khu công nghệ cao sau hơn 20 năm phát triển mà chưa có nước sạch, trong khi 100% người dân nội thành Hà Nội đã được dùng nước sạch, các vùng nông thôn của Hà Nội cũng lên đến 70-80%. Chính vì thế Bí thư Hà Nội yêu cầu sớm giải quyết tình trạng này.

Bí thư Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, Khu CNC Hoà Lạc cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, chăm chút cho Khu thật chỉn chu, đẹp mắt như công viên, để doanh nghiệp nhìn vào là muốn đến đầu tư ngay. Điều này càng có cơ sở để tập trung thực hiện vì Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Đây là 1 trong 5 đô thị vệ tinh đầu tiên của Hà Nội được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/10.000, được thành phố xác định ưu tiên thực hiện trước, trong đó Khu công nghệ cao Hòa Lạc là phần lõi.

Để làm được điều đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ hoàn thiện Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhất là giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Quản lý khu thực hiện nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, đặc biệt là đổi mới hoạt động theo hướng như doanh nghiệp, chuyên nghiệp hơn; không ngồi chờ mà phải tìm kiếm, kêu gọi nhà đầu tư phù hợp.

Cơ cấu của khu cũng cần được tính toán lại để bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất, có sức hút mạnh mẽ đối với không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn đối với người lao động, nhất là người tài, người giỏi.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc thúc đẩy thu hút đầu tư; trong đó thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính; sẵn sàng ủy quyền hết mức có thể trong khuôn khổ pháp luật cho phép; sẵn sàng phối hợp nghiên cứu và ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý với các sở, ban, ngành thành phố để thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Nguồn: https://dantri.com.vn/

Bình luận
Sản phẩm liên quan
1
Bạn cần hỗ trợ?
.