GIÁO LÝ NHÀ PHẬT DÀNH CHO MỘT CUỘC ĐỜI VÔ ĐỊNH HƯỚNG
NĂM CẤP ĐỘ CỦA ĐỘNG LỰC
Hầu như tất cả chúng ta đều bắt đầu cuộc sống này với những khát vọng cao đẹp.
Gầy dựng cơ nghiệp. Lập gia đình. Đạt được một thành tựu. Vươn tầm thế giới.
Nhưng trên con đường đi đến vinh quang, chúng ta chắc hẳn sẽ gặp không ít điều làm cho mình bị phân tâm, nghi ngờ, lãng quên, rồi lại phân tâm, tìm thấy một điều mới, thất bại, nghi ngờ nhiều hơn, tiếp tục bị phân tâm… Trước khi nhận ra những điều đó, có thể chúng ta đã lãng phí cả cuộc đời vào những việc như chơi game, khám phá Reddit và ăn bánh mì kẹp thịt. Thế giới hiện đại sẽ có đầy rẫy những thứ có thể cướp đi khát vọng của chúng ta. Thay vì trở thành một người cha hay chiến đấu vì hòa bình thế giới, sứ mệnh của cuộc đời chúng ta có thể chuyển ngay sang việc soi mói những người trên Twitter và xem hết bộ phim Stranger Things.
Nhưng chúng ta không thể đổ lỗi cho yếu tố thời đại. Bởi vấn đề là nằm ở động lực của chính bản thân mình. Sinh ra là con người, chúng ta ai cũng mưu cầu sự hạnh phúc, bình an. Hạnh phúc và những cảm xúc tốt đẹp là một phần quan trọng của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta để chúng trở thành động lực cao nhất của mình, thì ngay cả những khát vọng mạnh mẽ nhất cũng có thể sẽ mãi mãi bị dập tắt bởi Netflix hay một chiếc bánh kem. Tất cả mọi người, từ người Hy Lạp cổ đại đến các nhà tâm lý học nghiên cứu về hạnh phúc đều nhận ra rằng chúng ta cần phải thoát ra khỏi suy nghĩ rằng những cảm xúc tốt đẹp và niềm hạnh phúc mới có thể truyền cho mình động lực nếu muốn đi xa hơn và đạt được một điều gì đó trong cuộc sống. Các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng hiểu điều này hơn bất kỳ ai khác. Việc ngồi yên một chỗ mà không thể di chuyển hoặc để bị phân tâm đã cho phép họ nhìn sâu vào cơ chế hoạt động của động lực con người. Họ phát hiện ra rằng khi một người sống có mục đích chứ không chỉ dựa vào niềm vui, thì họ sẽ được truyền động lực bởi những điều có ý nghĩa chứ không mãi chạy theo những niềm vui đơn giản hay để cảm xúc chi phối. Để tạo ra sự thay đổi này, họ đã vạch ra 5 cấp độ chính của động lực (và thường được nhóm thành 3 cấp độ), bắt đầu từ những mong muốn và hạnh phúc cá nhân cơ bản nhất cho đến những thứ ý nghĩa, giá trị và truyền cảm hứng sâu sắc nhất.
1) SỰ THỎA MÃN TỨC THÌ
Thế giới của chúng ta vận hành dựa trên sự thỏa mãn tức thì. Dòng thời gian trên các trang mạng xã hội không bao giờ lướt hết. Cửa hàng trực tuyến. Những bản phát trực tuyến vô hạn theo yêu cầu. Những điều như vậy chỉ có thể giúp chúng ta thỏa mãn những mong muốn nhất thời, chứ không phải là thứ có thể giúp chúng ta cảm thấy đạt được những ước nguyện về lâu dài hay trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Thỏa mãn tức thì tức là mối quan tâm duy nhất của chúng ta là làm thế nào để thỏa mãn những nhu cầu, những khao khát và ham muốn cơ bản nhất của chúng ta ngay ở thời điểm hiện tại. Và đây chính là động lực ở mức thấp nhất, đồng thời cũng là khoảng thời gian không thích hợp nhất cho việc mua sắm. Chúng ta chỉ có thể thấy những gì ở ngay trước mắt. Có rất ít quyền tự do lựa chọn. Chúng ta chỉ muốn cảm thấy tốt hơn và tránh những cảm giác buồn bã, thất vọng trong chốc lát. Đó là bởi việc thực hiện điều này quá dễ dàng. Ngày nay, những niềm vui thoáng qua sẽ rất dễ đưa chúng ta đến việc xây dựng những thói quen xấu hủy hoại cuộc sống. Con người hiện đại thường dành sự ưu tiên cho những thú vui ngắn hạn. Họ luôn nhắm vào đồng tiền, và cách nhanh chóng, dễ dàng nhất để có được nó là làm thỏa mãn những nhu cầu, mong ước và thèm muốn cơ bản nhất của bản thân.
Trong cuộc sống thường ngày, sự thỏa mãn tức thì được thể hiện qua việc chúng ta chỉ nhìn thấy giá trị của người khác chỉ có giá trị khi họ giúp ích trong việc thỏa mãn nhu cầu của mình. Trong công việc, sự thỏa mãn tức thì được thể hiện qua việc chạy theo tiền bạc, địa vị và bất cứ thứ gì khác chỉ có tác dụng làm thỏa mãn những mong muốn tạm thời. Ở cấp độ động lực này, cuộc sống của chúng ta bị giới hạn nhiều nhất. Không nghĩ về hậu quả. Không cần quan tâm đến ngày mai. Hạnh phúc chỉ được theo đuổi ở thời điểm trước mắt.
2) HẠNH PHÚC LÂU DÀI
Đánh răng. Tiết kiệm tiền. Tập thể dục. Học tập. Đây là tất cả những điều chúng ta có thể làm để phục vụ cho hạnh phúc lâu dài của bản thân. Có thể những điều này sẽ không khiến chúng ta cảm thấy tuyệt vời ở thời điểm hiện tại, nhưng sẽ tốt cho tương lai. Chúng ta cần có sự trì hoãn ham muốn thay vì chỉ theo đuổi niềm vui hoặc sự an nhàn ở thời điểm hiện tại. Chúng ta không chỉ sống một ngày hôm nay mà còn rất nhiều ngày về sau. Và chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng những hành động mà mình làm ở hiện tại (mang tính xây dựng lẫn hủy hoại) sẽ quyết định chúng ta sau này là ai. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi hành động và kế hoạch luôn phải được tính toán kỹ càng trước khi làm.
Chúng ta vẫn có thể làm thỏa mãn những mong muốn của mình, nhưng cần có sự quyết tâm và tham vọng hơn về phương thức làm điều đó. Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe và cải thiện bản thân dựa trên cấp độ động lực này. Làm điều này hôm nay và chúng ta sẽ nhận được nó vào ngày mai. Những ham muốn và cảm xúc không vững chắc thường sẽ bị ảnh hưởng bởi những tuyên bố ngông cuồng và những tiêu chuẩn bất khả thi, dẫn đến việc mải mê theo đuổi phiên bản tốt nhất của bản thân.
Văn hóa làm việc cũng chủ yếu nằm ở cấp độ này. Chúng ta làm việc chăm chỉ và cực khổ hôm nay để đổi lấy tiền bạc và hạnh phúc cho mai sau. Được thúc đẩy bởi hạnh phúc lâu dài là một bước tiến từ sự thỏa mãn tức thì, và đồng thời là một điều cần thiết để sống một cuộc sống tốt đẹp. Thế nhưng, việc không ngừng tìm kiếm hạnh phúc sẽ không thể khiến ta hạnh phúc không đạt được những điều lớn lao.
3) GIÚP ĐỠ MỌI NGƯỜI
Hầu hết chúng ta ai cũng đều có mong muốn giúp đỡ người khác.
Nhưng không phải ai cũng sẽ làm điều này với đúng bản chất của nó.
Chúng ta thường giúp đỡ ai đó vì lợi ích của bản thân, như để có được sự chấp thuận hay địa vị, giảm bớt sự cô đơn và đau khổ, hoặc cảm thấy đúng đắn và cao quý…
Cấp độ động lực này còn được gọi là lòng bi mẫn.
Lòng bi mẫn là khi chúng ta nghĩ rằng mình đang giúp đỡ người khác và cả chính mình, nhưng thực sự chúng ta chỉ đang làm thỏa mãn bản thân và tránh phải đối mặt với những việc lớn hơn.
Chúng ta làm những điều có vẻ là tốt đẹp hoặc tử tế nhất, không nói ra suy nghĩ của mình, bận rộn với những việc tốt và giả vờ rằng mình đang hạnh phúc, thay vì làm những gì cần phải làm và có lợi nhất cho mọi người.
Tìm kiếm hạnh phúc và tránh những nỗi đau vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Điều này cũng có nghĩa là, tầm nhìn của chúng ta về lý do tại sao mình làm điều đó và chúng ta là ai không còn giới hạn với riêng bản thân mình nữa mà còn đan xen với cuộc sống và mong muốn của người khác.
Chúng ta không phải là những người đơn độc tìm kiếm hạnh phúc, mà là một phần của nền văn hóa chung, trong đó mọi người đều tìm kiếm những điều giống nhau.
Điều này có thể giúp chúng ta giảm bớt một số áp lực. Động lực để có được hạnh phúc của bản thân giờ đây đã được chia sẻ với mọi người.
Tuy nhiên, mắc kẹt lại ở cấp độ động lực này có thể khá nguy hiểm.
Nhiều nhóm người và thậm chí nhiều thế hệ có thể đã bị gặp phải tình trạng này khi cố gắng làm nguôi ngoai nỗi buồn của bản thân bằng cách giúp đỡ người khác hoặc giải cứu thế giới. Chẳng hạn, chúng ta có thể làm việc không mệt mỏi để giảm bớt những đau khổ trên thế giới chỉ vì không có khả năng đối phó và chịu đựng nỗi đau của chính mình.
4) SỰ CHUYỂN DỊCH TỪ HẠNH PHÚC SANG Ý NGHĨA
Dù chúng ta có xinh đẹp, thành đạt và sở hữu nhiều vật chất bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử, và trong khoảng thời gian này, chúng ta sẽ bị mê hoặc, quyến luyến và ghen tị. Đây chính là lý do tại sao những cảm xúc tốt đẹp và niềm hạnh phúc chỉ có thể là động lực hạn chế. Được truyền động lực bởi hạnh phúc cũng đồng nghĩa với việc xua tan đi những cảm giác bất hạnh tự nhiên và không thể tránh khỏi. Ở cấp độ động lực này, con người ta sẽ hướng trực tiếp vào gốc rễ của vấn đề.
Trong Phật giáo Tây Tạng, điều này được gọi là Quy y. Quy y là khi chúng ta nhìn thấy mình cần có sự cải thiện không ngừng và theo đuổi những ham muốn, cũng như xem xét lý do tại sao chúng ta lại cần cải thiện và có những mong muốn đó. Đừng cố gắng né tránh những khó khăn và những điều không may trong cuộc sống. Khó khăn không phải là lỗi lầm hay thiếu sót để chúng ta khắc phục và sửa chữa, mà là một phần chung của con người (Thuyết ngụy biện về tính độc nhất của Dan Harris). Ở cấp độ này, chúng ta sẽ không còn tìm kiếm những thứ mang lại niềm vui và niềm hạnh phúc vô tận và được truyền động lực bởi những sự hài lòng, vui vẻ và hạnh phúc tức thì. Thay vào đó, chúng ta sẽ được thúc đẩy bởi những điều sâu sắc hơn, đó là lý do của những việc mình làm hoặc không làm
Động lực của chúng ta đã chuyển từ việc đạt được hạnh phúc của riêng bản thân sang việc tìm kiếm vị trí của mình trong xã hội, kết nối với mọi người, sống có mục đích, hiểu bản thân nhiều hơn, thay đổi và chọn lựa thách thức thay vì sự thoải mái. Chúng ta đã vượt lên trên những thú vui nhất thời để sống một cuộc sống ý nghĩa và có mục đích về lâu dài.
5) NGUỒN ĐỘNG LỰC CAO NHẤT
Khi tìm hiểu về động cơ làm việc và tồn tại của bản thân, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình là một phần trong một mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau bao gồm hàng tỷ những sinh vật sống khác. Thử nhìn ra xung quanh, và chúng ta sẽ nhận thấy bản thân mình không hề tách rời vạn vật, mà ngược lại, có sự phụ thuộc chặt chẽ với chúng. Chúng ta cũng có thể nhận thấy họ đối xử với ta rất tốt. Họ cũng xứng đáng được hạnh phúc nhiều như chúng ta. Và việc đặt hạnh phúc cá nhân lên trên tất cả sẽ đưa chúng ta đến việc lợi dụng người khác, sống trong sợ hãi và liên tục làm những việc chỉ để thỏa mãn bản thân.
Sống vì mọi người và thế giới là cấp độ động lực cao nhất.
Vấn đề của chúng ta không phải là sự phân tâm và luôn mải mê trong việc tìm kiếm động lực, mà vấn đề ở đây là cái nhìn hạn hẹp của chúng ta về con người thật của mình và những gì có thể xảy ra trên thế giới này. Khi chúng ta xem mình là một phần không thể tách rời của thế giới ngoài kia, giá trị của chúng ta sẽ được đẩy lên mức cao nhất. Động lực trong chúng ta là vô tận, và tất cả mọi thứ chúng ta làm đều sẽ tạo được ảnh hưởng được đền đáp xứng đáng. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải trở thành Đức Mẹ Teresa để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Chúng ta có thể dành những ngày của mình để làm cà vạt hoặc bán bánh nướng, lái xe buýt hoặc làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm. Điều quan trọng là lý do mà chúng ta làm những công việc đó. Đó có thể là vì những động lực nhỏ như niềm vui, hạnh phúc, tạo ra tài sản, v.v; hay vì những động lực lớn hơn, vượt ra ngoài cảm xúc và cuộc sống của chúng ta, đưa chúng ta đến với một cái gì đó lớn lao hơn.
Càng tìm thấy nhiều ý nghĩa, chúng ta sẽ càng cảm thấy được kết nối với bản thân, mọi người và thế giới xung quanh, và từ đó buông bỏ những thú vui vô bổ và hướng tới những khát vọng cao nhất của bản thân.
LỜI KẾT
Chúng ta không cần phải cố gắng trèo lên đỉnh cao nhất trong 5 cấp độ động lực và trở thành Đức Phật không bao giờ bị cám dỗ trước những ham muốn, hành động bốc đồng. Điều cần làm ở đây là tìm sự cân bằng giữa tất cả 5 cấp độ và nhận thức rõ hơn về những điều truyền động lực cho mình. Và từ đó, chúng ta sẽ tự lựa chọn giữa việc bị cuốn theo những thôi thúc và mong muốn nhất thời về hạnh phúc và xây dựng một cuộc sống ý nghĩa thực sự. Một khi chúng ta đã biết được điều gì thúc đẩy mình trong cuộc sống này, thì đôi khi, hãy cứ tự thưởng cho mình một chiếc bánh hay một bộ phim trên Netflix.
———-
Tác giả: Joe Hunt
Link bài gốc: The Buddhist Antidote to an Unmotivated Life: The 5 Levels of Motivation
Dịch giả: Hải My – ToMo – Learn Something New